Hướng dẫn kỹ thuật phông cầu (lốp cầu) trong cầu lông

26-07-2023 16:06
VNBSports

Bài viết được ShopVNB - Hệ thống shop cầu lông hàng đầu Việt Nam với hơn 2 shop Premium và 58 chi nhánh trên toàn quốc kiểm duyệt và chia sẻ.

Phông cầu là một trong những kỹ thuật cơ bản nhất trong các kỹ thuật đánh cầu lông, là nền tảng cho các kỹ thuật nâng cao khác. Do đó người chơi cần thuần thục kỹ thuật này trước tiên khi mới bắt đầu làm quen với bộ môn cầu lông. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn cho các bạn chi tiết về kỹ thuật phông cầu trong cầu lông.

1. Kỹ thuật phông cầu (lốp cầu) là gì?

Kỹ thuật phông cầu, hay lốp cầu, là kỹ thuật đánh cầu cao sâu về phía cuối sân của đối phương. Mục đích của kỹ thuật này có thể là ép đối phương di chuyển nhiều về phía cuối sân, tạo khoảng trống ở khu vực trên lưới, hoặc có thể trả cầu cao sâu để câu giờ, làm giảm nhịp độ trận đấu giúp người chơi có thời gian chuẩn bị tư thế cho pha cầu tiếp theo.
Phông cầu thường được dùng nhiều trong đánh đơn, người chơi còn có thể sáng tạo nhiều biến thể của kỹ thuật này nhằm buộc đối phương phải di chuyển nhiều trên sân. Trong đánh đôi kỹ thuật này chỉ được dùng để trả cầu khi bị đối phương dồn vào thế bị động, vì phông cầu trong đánh đôi đồng nghĩa với việc cho đối phương cơ hội tấn công.

2. Cách cầm vợt khi thực hiện kỹ thuật phông cầu

Để thuần thục được kỹ thuật phông cầu, đầu tiên người chơi cần biết cách cầm vợt đúng sao cho thoải mái nhất và phát lực ra thuận lợi nhất.
Trong phông cầu người chơi sẽ cầm vợt bằng cách cầm thuận tay cơ bản:
- Đầu tiên cầm giữ thân vợt bằng tay không thuận sao cho mặt vợt vuông góc với mặt sân.
- Dùng tay thuận vuốt nhẹ từ mặt vợt xuống khoảng giữa cán vợt, lòng bàn tay xòe ra như chuẩn bị bắt tay.
- Nắm lòng bàn tay một cách tự nhiên quanh cán vợt, ngón trỏ và ngón cái tạo thành chữ V trên cán vợt, các ngón còn lại ôm lấy thân vợt một cách tự nhiên.

3. Các động tác cơ bản khi thực hiện kỹ thuật phông cầu

Để thực hiện kỹ thuật phông cầu cao sâu một cách hoàn hảo nhất, người chơi cần kết hợp cùng lúc các cơ chân, hông, lưng, vai, cánh tay và cổ tay. Như vậy đường cầu mới đi nhanh, mạnh và chuẩn xác. Đây là 4 giai đoạn khi thực hiện kỹ thuật phông cầu:
- Chuẩn bị: Khi đang ở tư thế đợi cầu, đầu khối hơi khuỵu, lúc này xoay người sao cho mặt vợt thuận tay hướng về phía cầu.
- Vung vợt: Tay thuận cầm vợt giơ cao, khuỷu tay hướng về phía sau. Tay còn lại giơ cao trước mặt để định hướng quả cầu đồng thời giữ cân bằng cho cơ thể
- Đánh cầu: Chân đứng vững, từ từ xoay hông, lưng, vai, kết hợp tay thuận giờ cao đánh vào quả cầu ở vị trí cao nhất. Chú ý mặt vợt phải tiếp xúc vuông góc với đường cầu để cầu đi nhanh và xa nhất.
- Hạ vợt: Tay thuận cầm vợt theo quán tính hạ xuống phía trước mặt, sau đó quay trở về tư thế chuẩn bị, vợt giơ cao ngang tầm mắt, đầu gối hơi khuỵu.
Người chơi cần dành nhiều thời gian tập luyện để thuần thục các động tác trên. Trong thi đấu người chơi cần phải thực hiện nhanh nhất có thể để tạo bất ngờ cho đối phương cũng như nhanh chóng quay trở lại tư thế phòng thủ.

4. 2 loại kỹ thuật phông cầu cơ bản

Kỹ thuật phông cầu có thể được chia làm 2 loại cơ bản, là phông cầu tấn công và phông cầu phòng thủ.
- Phông cầu tấn công được dùng khi người chơi đã đoán được đường cầu ở tư thế thủ động, đồng thời đối phương có xu hướng di chuyển lên trên lưới. Khi thực hiện phông cầu tấn công, người chơi cần đánh cầu sao cho cầu đi nhanh, đường cầu không quá cao nhưng phải đi xa về phía cuối sân để đối phương không kịp có thời gian phản ứng, từ đó rơi vào thế bị động phải trả cầu khó khăn.
- Phông cầu phòng thủ được thực hiện khi người chơi rơi vào thế bị động, bị dồn về phía cuối sân khi chưa kịp vào tư thế chuẩn bị. Khi thực hiện phông cầu phòng thủ, người chơi cần dùng sức đánh cầu thật cao và thật xa về phía cuối sân đối phương, lúc này cầu sẽ rơi xuống chậm và người chơi sẽ có đủ thời gian để di chuyển về giữa sân để vào tư thế chuẩn bị cho pha cần tiếp theo.

5. Những lưu ý khi thực hiện kỹ thuật phông cầu

Mặc dù là một kỹ thuật đơn giản nhưng đối với những người mới bắt đầu vẫn có thể sẽ mắc một vài lỗi như sau:
- Cầm vợt quá chặt khiến cho cầu không đi được mạnh, cần lưu ý rằng người chơi chỉ nên dùng sức bộc phát khi mặt vợt chạm vào cầu, còn trước đó cần phải thả lỏng tay để tránh lãng phí sức lực.
- Đối với người mới chơi vẫn chưa quen với động tác, các cơ bắp chưa có độ linh hoạt nên khi thực hiện sẽ có cảm giác đánh cầu không được mạnh, người chơi cần tập luyện nhiều hơn để các cơ bắp dẻo dai hơn.
- Xác định điểm rơi của cầu quá gần hoặc quá xa, điều này sẽ khiến người chơi không vung vợt được hết lực hoặc đánh hụt cầu, khiến cho đường cầu không đi theo đúng hướng.
- Người chơi không thực hiện đúng các động tác khi thực hiện phông cầu khiến cho lực đánh bị yếu, do không vận dụng hết các vùng cơ cần thiết.
Kỹ thuật phông cầu chỉ là một trong nhiều kỹ thuật đánh cầu lông, người chơi cần tùy vào tình huống cụ thể, tùy vào trình độ và lối đánh của đối phương để có cách phối hợp các kỹ thuật hợp lý.

Như vậy mình đã giải thích cho các bạn chi tiết về kỹ thuật phông cầu trong cầu lông. Điều quan trọng nhất vẫn là các bạn hãy dành thật nhiều thời gian để tập luyện cũng như giao lưu với nhiều người để nâng cao trình độ của mình nhé.

Danh mục
Hệ thống cửa hàng Hệ thống cửa hàng