Giao cầu sao cho đúng cách? - Hướng dẫn kỹ thuật giao cầu cơ bản
Bài viết được ShopVNB - Hệ thống shop cầu lông hàng đầu Việt Nam với hơn 5 shop Premium và 65 chi nhánh trên toàn quốc kiểm duyệt và chia sẻ.
Giao cầu là cú đánh đầu tiên bắt đầu pha cầu. Nghe có vẻ đơn giản nhưng khi thi đấu thực tế, thời điểm giao cầu có thể nói là khá nhạy cảm, có thể quyết định 60% kết quả thắng thua của pha cầu. Vậy giao cầu như thế nào để chiếm được ưu thế so với đối thủ? Cùng tìm hiểu kỹ thuật giao cầu hiệu quả qua bài viết sau đây nhé!
Giao cầu là cú đánh không chịu sự cản trở từ phía đối phương. Người chơi có kỹ thuật tốt sẽ có thể đưa đối phương vào thế bị động, giành quyền tấn công ở pha cầu tiếp theo, ngược lại nếu kỹ thuật giao cầu chưa tốt sẽ rất dễ mất điểm. Kỹ thuật giao cầu lông cơ bản có thể chia làm 2 loại là giao cầu thuận tay và giao cầu trái tay.
1. Kỹ thuật giao cầu thuận tay
Kỹ thuật giao cầu thuận tay thường được dùng chủ yếu trong đánh đơn. Các bước thực hiện động tác như sau:
- Bước 1: Đứng trước vạch giao cầu, chân phía tay cầm vợt đặt phía sau, mũi bàn chân hướng sang ngang; chân còn lại đặt phía trước, mũi chân hướng về phía trước. Hai chân dồn đều trọng tâm, khoảng cách giữa hai chân rộng gần bằng vai.
- Bước 2: Tay phải cầm vợt nâng lên, gối hơi khuỵu, tay cầm cầu đặt ngang thắt lưng, mắt quan sát đối phương.
- Bước 3: Dồn trọng tâm sang chân sau, tay cầm vợt nâng lên cao, tay cầm cầu nâng lên ngang ngược.
- Bước 4: Tay cầm vợt vung vợt từ phía sau lên, tay cầm cầu thả cầu rơi phía trước người, vung vợt đánh vào quả cầu theo hướng từ phía sau đánh lên.
2. Kỹ thuật giao cầu trái tay
Kỹ thuật giao cầu trái tay có thể dùng trong cả đánh đôi và đánh đơn nhưng thường được dùng chủ yếu trong đánh đôi. Đây là cách giao cầu được dùng phổ biến. Các bước thực hiện động tác như sau:
- Bước 1: Đứng trước vạch giao cầu, mặt hướng về phía lưới. Chân phía tay cầm vợt đứng trước, mũi chân hướng về phía trước; chân còn lại đặt phía sau, mũi chân hướng về phía trước. Hai chân đứng rộng gần bằng vai.
- Bước 2: Dồn trọng tâm vào chân trước, thân người hơi đưa về trước, khuỷu tay phải co lại, dùng cách cầm vợt trái tay và đưa vợt ngang ra ở vị trí ngang hông. Mặt vợt ở dưới cạnh bên trái, ngón trỏ và ngón cái tay trái cầm đầu lông quả cầu để đế hướng xuống dưới đất.
- Bước 3: Thân cầu đối diện thẳng với mặt vợt, cẳng tay kéo theo cổ tay cắt đẩy ngang ra trước làm sao cho quả cầu lông bay thành một đường vòng cung.
3. Các đường cầu cơ bản khi thực hiện giao cầu
Tùy vào chiến thuật của người chơi, có thể giao cầu theo 2 kiểu là giao cầu cao, sâu và giao cầu thấp, gần.
- Giao cầu cao, sâu có nghĩa là đánh quả cầu bay lên cao và rơi ở khu vực cuối sân đối phương. Mục đích của kỹ thuật giao cầu cao, sâu là dồn đối phương về phía cuối sân, tạo khoảng trống ở khu vực phía giữa sân và trên lưới. Giao cầu cao, sâu thường dùng trong đánh đơn, áp dụng khi đối phương có kỹ thuật di chuyển kém, khả năng tấn công yếu.
- Giao cầu thấp, gần có nghĩa là đánh quả cầu đến vị trí góc trên phần sân đối phương, gần vạch giao cầu với quỹ đạo gần sát lưới. Giao cầu thấp, gần có thể dùng trong cả đánh đôi và đánh đơn. Mục đích là để hạn chế khả năng tấn công của đối phương, nếu áp dụng đúng kỹ thuật và chọn điểm rơi tốt có thể dồn đối phương vào thế bị động, tạo cơ hội tấn công ở lượt cầu tiếp theo.
4. Một số lỗi thường gặp khi thực hiện kỹ thuật giao cầu
Giao cầu có khả năng chiếm ưu thế cao nhưng cũng có khả năng mất điểm cao, một lỗi nhỏ khi thực hiện động tác có thể đảo ngược tình thế. Sau đây là một số lỗi thường gặp phải khi giao cầu:
- Cầm vợt quá chặt: Người chơi cần thả lỏng tay cầm vợt khi thực hiện động tác, khi mặt vợt tiếp xúc với quả cầu mới nắm chặt vợt, sử dụng lực bộc phát để đánh quả cầu đi nhanh, chính xác và dứt khoát, khiến cho đối thủ bất ngờ.
- Tiếp xúc giữa mặt vợt và cầu chưa đúng: Tiếp xúc giữa mặt vợt và cầu sẽ quyết định quỹ đạo bay và điểm rơi của quả cầu. Việc tiếp xúc sai sẽ khiến cầu bay quá cao dễ bị đối phương tấn công, hoặc cầu bay không qua lưới, cầu rơi không đúng ô nhận cầu.
- Đứng quá xa vạch giao cầu: Người chơi cần đứng cách vạch giao cầu một khoảng cách phù hợp. Nếu trong đánh đôi, người chơi cần đứng gần sát vạch giao cầu, trong đánh đơn người chơi có thể đứng cách vạch giao cầu một khoảng 10-50cm. Đứng cách vạch giao cầu quá xa sẽ khiến người chơi không bao quát được hết phần sân trên, không kịp phản ứng nếu đối phương bỏ cầu trên lưới, ngược lại đứng quá gần vạch giao cầu người chơi có thể không kịp phản ứng những pha trả cầu cao sâu.
- Không chuẩn bị tư thế sau khi giao cầu: Sau khi giao cầu người chơi cần ngay lập tức trở về tư thế chuẩn bị, sẵn sàng cho lượt cầu kế tiếp.
Ngoài một số lỗi thường gặp khi thực hiện kỹ thuật giao cầu, người chơi cũng cần lưu ý giao cầu đúng luật để tránh bị mất điểm.
- Tránh trì hoãn khi giao cầu, làm kéo dài thời gian trận đấu.
- Đứng đúng ô giao cầu, giao cầu đến đúng vị trí ô nhận cầu.
- Khi giao cầu hay nhận cầu không đứng đè lên vạch sân.
- Tại thời điểm cầu được đánh đi, độ cao của quả cầu không được cao hơn 1m15.
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn cơ bản về kỹ thuật giao cầu, cũng như các lỗi cơ bản thường gặp khi giao cầu. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ kỹ thuật hơn để có cách tập luyện phù hợp giúp nâng cao trình độ.